Những chiếc giường gỗ đã trở thành vật dụng quen thuộc đối với các gia đình Việt. Thế nhưng không phải ai cũng biết vệ sinh giường gỗ đúng cách. Áp dụng những mẹo vệ sinh giường phù hợp sẽ giúp tăng tuổi thọ và hạn chế hư hỏng không đáng có.
Tóm tắt bài viết
Vì sao cần vệ sinh giường gỗ đúng cách?
Chiếc giường là nơi mỗi ngày bạn dành đến ⅓ thời gian để nghỉ ngơi lấy lại sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. Vì vậy giường ngủ không chỉ được bài trí ở nơi phù hợp mà còn phải an toàn, sạch sẽ, đảm bảo thoải mái nhất cho người dùng.
Trên mỗi chiếc giường gỗ bạn đang sử dụng có đến hàng triệu vi khuẩn, bụi bẩn mà mắt mắt thường không thể nhìn thấy được. Đó có thể là mối nguy hại đe dọa đến sức khỏe của bạn và các thành viên trong gia đình. Vệ sinh giường gỗ đúng cách sẽ giúp loại bỏ đi bụi bẩn và vi khuẩn, tạo nên một không gian phòng ngủ thoải mái dễ chịu cho bạn giấc ngủ ngon hơn.
Giường gỗ là vật liệu có độ bám dính tốt nên cần phải vệ sinh ngay khi phát hiện các vết bẩn. Các loại giường gỗ bọc da, giường bọc vải càng cần được vệ sinh thường xuyên vì nếu để lâu, vết bẩn bám dính vào chất liệu và rất khó để làm sạch hoàn toàn.
Vệ sinh bảo quản giường ngủ định kỳ sẽ kéo dài tuổi thọ, duy trì độ bền đẹp của mỗi chiếc giường. Đồng thời nhanh chóng phát hiện các vấn đề hư hỏng để sửa chữa kịp thời. Vì thế người dùng cần quan tâm hơn đến việc vệ sinh bảo quản giường gỗ để đảm bảo chất lượng giấc ngủ cũng như thẩm mỹ của không gian phòng ngủ.
Cách vệ sinh giường gỗ
Đối với giường gỗ bọc da
Dùng máy hút bụi hoặc một chiếc khăn mềm để lau sơ qua bụi bẩn bám trên giường và toàn bộ phần khung giường. Sau đó sử dụng dung dịch chuyên dụng cho đồ da để lau đi các vết bẩn. Nếu như dùng khăn thấm dung dịch không thể loại vết bẩn cứng đầu, bạn có thể dùng bàn chải lông mềm để chà nhẹ.
Khi vệ sinh giường bọc da, chỉ dùng khăn lau khô nước và bật quạt/điều hòa để hong khô. Tuyệt đối không phơi giường dưới ánh nắng mặt trời vì sẽ làm phai màu và nứt nẻ chất liệu.
Đối với giường gỗ bọc vải
Những loại giường có thể tháo lớp vỏ vải bọc thì bạn có thể tháo rời để giặt giũ, vệ sinh.
Nếu không tháo được, bạn hãy dùng máy hút bụi để lấy đi bụi bẩn, lông thú bám trên. Dùng các loại nước tẩy rửa chuyên dụng phun đều lên toàn bộ bề mặt vải, đợi khoảng 10-15 phút cho thấm đều vào vải sau đó dùng khăn hoặc bàn chải mềm chà nhẹ để lấy đi vết bẩn. Sau đó lau lại bằng khăn ẩm một lần nữa và thấm khô ngay.
Nếu bị đổ các chất lỏng như sữa, nước ngọt, rượu,…lên giường thì không nên lau ngay vết bẩn vì sẽ làm vết bẩn loang rộng. Bạn nên dùng khăn giấy thấm khô trước, sau đó mới dùng nước hoặc sản phẩm vệ sinh để lấy đi các vết bẩn bám trên giường.
Đối với giường gỗ bọc vải hay bọc da, không nên sử dụng các chất lỏng có độ pH cao như cồn, xăng,…đổ trực tiếp lên chất liệu. Các hóa chất này có tác dụng tẩy vết bẩn nhưng cũng sẽ làm bề mặt da, vải bị phai màu nhanh chóng.
Đối với giường gỗ
Dùng khăn ẩm hoặc bình xịt phun nước lên bề mặt cần làm sạch rồi lau khô lại để loại bỏ bụi bẩn. Sử dụng các dung dịch vệ sinh đồ gỗ để lau toàn bộ giường. Lưu ý chỉ lấy một lượng vừa phải và lau lại nhiều lần bằng nước sạch.
Đối với các vết bẩn khó làm sạch cần phải lau đi lau lại nhiều lần hoặc sử dụng bàn chải mềm để chà rửa, không nên dùng vật sắc nhọn cà xước bề mặt gỗ.
Ngoài ra bạn có thể dùng các nguyên liệu tự nhiên dễ tìm như sữa bò hoặc trà xanh, cồn để xử lý các vết bẩn, vết xước trên chất liệu gỗ.
Xử lý các vết bẩn thường gặp
Vết ố từ rượu vang, nước ép hoa quả, nước trà: Pha loãng dung dịch gồm muối, bột giặt và nước sau đó dùng khăn thấm và lau sạch những vị trí có vết bẩn.
Vết mực bút bi: Sử dụng cồn 90 độ, thấm bông gòn lau đi vết mực và sau đó lau lại nhiều lần bằng nước sạch.
Vết cà phê: Dùng bột giặt pha loãng để xử lý và lau lại bằng nước sạch.
Vết ẩm mốc: Thấm nước cốt chanh lên những vị trí có vết mốc và để khô, sau đó dùng khăn ẩm lau khô lại. Axit trong chanh sẽ xử lý được các vết nấm mốc.
Các vết xước hoặc loang lổ: Dùng vài giọt dầu ăn cùng với sáp ong trộn thành hỗn hợp và chà lên vết xước. Ngòi ra có thể dùng hỗn hợp bột gạo hoặc bột mì cùng với dầu ăn.
Khử mùi hôi: Dùng phấn rôm, nước hoa, tinh dầu, cồn 90 độ hoặc baking soda.
Sử dụng bia để tẩy đi các vết bẩn trên giường gỗ hoặc dùng dầu paraffine, dầu thông lau lại một lần nữa để giường sáng bóng hơn.
Khi vệ sinh giường ngủ bạn nên ưu tiên sử dụng những nguyên liệu lành tính như muối, cồn, rượu trắng hoặc giấm, chanh,…và phải lau lại nhiều lần bằng nước sạch.
Lưu ý khi vệ sinh giường ngủ gỗ
Không vệ sinh giường quá nhiều lần
Bạn không nhất thiết phải vệ sinh giường ngủ quá nhiều lần bởi vì gỗ là vật liệu kỵ nước nên hạn chế để giường bị ẩm ướt. Nếu giường không bị bám bẩn, tốt nhất nên vệ sinh định kỳ khoảng 3-6 tháng/lần. Ngoài ra chỉ cần sử dụng khăn vải mềm, máy hút bụi để loại bỏ đi bụi bẩn.
Không sử dụng hóa chất tẩy rửa mạnh
Một số vết bẩn cứng đầu bám dính lâu trên giường và rất khó để loại bỏ triệt để. Vì thế nhiều người đã dùng chất tẩy rửa có tính oxi hóa mạnh để lau chùi đi các vết bẩn này. Tuy nhiên hóa chất sẽ làm hỏng lớp sơn bề mặt và có thể ăn mòn gỗ. Các chất này sẽ để lại những vệt ố vàng khó làm sạch được. Nhất là đối với các loại giường bọc da hay bọc vải dễ bị sờn, phai màu nếu tiếp xúc với các chất oxi hoá.
Trước khi sử dụng một loại hóa chất nào đó để vệ sinh giường, bạn nên thử tại những vị trí góc khuất để xem có bị ảnh hưởng đến gỗ hay da/vải hay không.
Nếu dùng hóa chất chuyên dụng để vệ sinh giường, cần lưu ý phải làm khô nhanh, tuyệt đối không để các hóa chất đọng lại trên giường. Bởi vì chúng sẽ làm hỏng chất liệu và còn gây kích ứng da khi nằm lên giường.
Không dùng các vật có độ ma sát cao để chà rửa vết bẩn
Những vật dụng như giấy nhám, giẻ thô ráp hay vật sắc nhọn tuyệt đối không được sử dụng để loại bỏ vết bẩn trên bề mặt gỗ. Chúng sẽ làm trầy xước lớp sơn bảo vệ gỗ, làm hỏng lớp da/vải bọc khiến bận phải mất công sức sửa chữa lại. Lưu ý không chà rửa mạnh tay trên bề mặt giường gỗ.
Chưa kể một số vật dụng dùng để lau chùi còn tiềm ẩn vi khuẩn và khi gặp môi trường lý tưởng, chúng sinh sôi, trú ngụ trên chất liệu gỗ gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng.
Không để giường bị ẩm ướt lâu
Trong quá trình vệ sinh giường gỗ, bạn chỉ nên sử dụng bình xịt phun nước vừa đủ lên bề mặt cần tẩy rửa, hoặc dùng khăn vắt thật khô rồi mới lau vết bẩn. Lau lại nhiều lần cho đến khi không còn nước đọng trên giường. Sử dụng máy sấy, quạt hoặc bật điều hòa ở chế độ làm khô để hong khô giường nhanh hơn.
Cách khử mùi giường gỗ mới
Giường gỗ khi mới mua về thường có mùi khó chịu từ keo, sơn dùng để gia công giường. Sau một thời gian mùi này sẽ tự hết. Nếu bạn khó chịu vì mùi vật liệu nồng, có thể sử dụng những cách sau để khử mùi hiệu quả:
Dùng giấm ăn
Giấm ăn có công dụng khử mùi rất tốt nên bạn có thể đổ giấm nguyên chất vào các chén nhỏ và để tại góc giường.
Dùng chanh và muối
Hòa tan dung dịch nước, nước cốt chanh và ½ thìa cà phê muối, cho vào các chén nhỏ và đặt tại vị trí có mùi gỗ mới. Để qua đêm cho tới khi mùi gỗ và sơn đã giảm đi.
Dùng các loại tinh dầu
Bạn có thể dùng các loại tinh dầu sả chanh, tinh dầu hoa lài,…xịt trực tiếp vào không khí để vừa khử mùi gỗ, vừa thanh lọc không khí trong phòng ngủ, giúp xua đuổi côn trùng, thư giãn tinh thần cho giấc ngủ ngon hơn.
Dùng lá trà khô
Lấy một ít trà khô xay nhuyễn, bỏ vào túi vải và phun nước nhẹ cho túi trà hơi ẩm. Sau đó đặt các túi trà này lên giường gỗ mới để loại bỏ mùi khó chịu.
Với các chiếc giường gỗ dù là mới mua hay bạn đã dùng được một thời gian, để đảm bảo chúng an toàn và không có các loại nấm mốc, vi khuẩn gây hại cho sức khỏe. Bạn nên sử dụng cồn để lau qua một lần như khử trùng cho giường. Giường sẽ sạch và không bị ảnh hưởng vì lớp cồn sẽ bay hơi ngay lập tức.
Đánh bóng bề mặt giường gỗ
Sau một thời gian sử dụng, giường gỗ bị bám bụi bẩn và màu sắc, độ bóng có thể không còn được như ban đầu. Lúc này bạn cần phải áp dụng những cách làm bóng giường để lấy lại vẻ mới mẻ. Áp dụng ngay một số mẹo sau:
- Dùng vải mềm thấm sữa tươi để lau chùi bề mặt giường sẽ giúp làm sạch bụi bẩn và đánh bóng vật liệu trở nên tươi mới, màu sắc đẹp hơn.
- Dung dịch nước và giấm ăn pha theo tỉ lệ 1:1 cũng là một chất đánh bóng và làm sạch nội thất gỗ rất hiệu quả. Chỉ cần thấm khăn vải mềm và lau qua vài lần là màu sắc chiếc giường sẽ trở nên mới mẻ hơn.
Ngoài ra những chiếc giường cao cấp sau nhiều năm sử dụng cần được bảo dưỡng lớp sơn bóng để vừa cải thiện tính thẩm mỹ, vừa bảo vệ tốt cho chất liệu gỗ, đảm bảo độ bền bỉ lâu dài.
Bảo quản giường gỗ luôn bền đẹp
Cách thức bảo quản sẽ quyết định phần lớn đến tuổi thọ cũng như giá trị của đồ nội thất. Vì thế khi sử dụng các loại giường gỗ, bạn hãy lưu ý:
Tránh để giường tiếp xúc với nhiệt độ cao
Tránh để giường gỗ tiếp xúc với ánh nắng mặt trời hoặc những nguồn nhiệt cao bởi vì lâu ngày sẽ làm chất gỗ bị rạn nứt. Ánh nắng sẽ làm chất gỗ và da/vải bọc dễ bị phai màu. Hơn nữa sẽ khiến gỗ bị cong vênh, biến dạng và nứt nẻ. Nếu như giường đặt gần cửa sổ có ánh
Không đặt giường ở nơi ẩm ướt
Không đặt giường quá sát tường và những nơi có độ ẩm cao. Hơi ẩm xâm nhập là nguyên nhân gây nấm mốc, tạo điều kiện cho mối mọt và các vi sinh vật có hại sinh sôi. Nhiều trường hợp đặt giường ngủ quá sát với tường nên khi dịch chuyển đã làm trầy xước bề mặt gỗ. Bởi vì gỗ là vật liệu hữu cơ, đặc biệt là giường gỗ tự nhiên dễ bị mối mọt nếu không được bảo quản đúng cách.
Nếu không sử dụng giường trong thời gian dài, bạn nên dùng nilon bọc giường lại để không bị bám bụi.
Hạn chế di dời giường
Vì giường ngủ có trọng lượng nặng nên hầu như mỗi khi cần thay đổi vị trí kê giường, nhiều người thường kéo lê chân giường. Nếu tác động lực quá mạnh có thể làm chân giường bị mòn do ma sát với sàn nhà. Lâu dần giường sẽ bị yếu đi và phần khung, chân cũng sẽ trầy xước do va chạm với tường và các đồ vật xung quanh khi di dời.
Hạn chế quá tải
Mỗi loại giường ngủ đều có tiêu chuẩn về trọng lượng nên người dùng cần lưu ý số người sử dụng. Không nên để quá nhiều đồ dùng nặng lên giường vì về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến khả năng chịu lực làm giường bị cong vênh, chân giường bị gãy đổ và hư hỏng nặng.
Áp dụng ngay các cách trên đây để vệ sinh giường gỗ và bảo quản giường bền đẹp với thời gian. Hy vọng bài viết đã mang lại cho bạn những thông tin hữu ích để giữ gìn không gian nghỉ ngơi lý tưởng.
Bài viết liên quan: